Cải cách chính trị Cải_cách_Atatürk

Mehmed VI thoái vị, là vị Sultan cuối cùng của Đế quốc Ottoman, 1922

Cho đến khi nền cộng hoà được chính thức tuyên bố thành lập, Đế quốc Ottoman vẫn còn tồn tại cùng với di sản trong lĩnh vực tôn giáo và vương quyền. Vương quyền sau đó đã bị hủy bỏ bởi chính phủ Ankara, nhưng truyền thống và biểu tượng văn hoá của nó vẫn còn tồn tại trong các tầng lớp nhân dân (mặc dù ảnh hưởng này ít hơn ở tầng lớp ưu tú). Thông qua một chương trình được hoạch định cẩn thận, những cải cách chính trị của Atatürk liên quan đến nhiều thay đổi nền tảng vốn sẽ gây ra một loạt sự chấm dứt của các truyền thống và dỡ bỏ một hệ thống phức tạp đã phát triển qua nhiều thế kỷ.[1]

Vấn đề thứ ba là Caliph (phát âm khaleef), hệ thống chính quyền của Hồi giáo dưới thời Đế chế Ottoman. Mustafa Kemal muốn chuyển đổi quyền lực từ caliphate (phát âm khilăfah) sang tay quốc hội, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1924. Về vấn đề này, Mustafa Kemal nhận xét: "Không cần nhìn nhận quá trình này như một điều gì đó phi thường".

Hệ thống chính trị

Cấu trúc căn bản cho nền dân chủ, bầu cử, đại hội, chính phủ, thủ tướng và tổng thống được thành lập dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal trên chế độ đơn đảng: Đảng Cộng hòa Nhân dân (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Cumhuriyet Halk Fırkası), thành lập ngày 9 tháng 9 năm 1923. Quyền lực của ông đến đâu vẫn còn được chất vấn. Một số sử gia cho rằng Mustafa Kemal không hề xúc tiến quá trình dân chủ hóa, mặc dù để tạo nên một nền dân chủ cộng hòa buộc ông phải dùng những phương pháp "phi dân chủ".

Giai đoạn đa đảng

Cuộc cách mạng văn hóa của Mustafa Kemal gặp phải nhiều chống đối. Đến năm 1925, sự thành lập một đảng chính trị khác trở nên cấp bách. Đảng Cộng hòa Cấp tiến, lãnh đạo bởi Kâzım Karabekir ra đời, đề xuất chủ nghĩa tự do đối đầu với một nhà nước theo chủ nghĩa xã hội, và các chương trình xã hội theo hướng chủ nghĩa bảo thủ so với chủ nghĩa đổi mới. Lãnh đạo của đảng nhiệt liệt ủng hộ những nhà cách mạng Kemalist, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc cách mạng văn hóa và một nhà nước phi tôn giáo.

Sau một thời gian, đảng mới này bị cho là theo xu hướng Hồi giáo chính thống. Năm 1925, cuộc nổi loạn của Sheikh Said nổ ra, kết quả là Mustafa Kemal được trao toàn quyền giữ gìn luật pháp, cho phép ông giải tán các nhóm quá khích. Không lâu sau, đảng cộng hòa cấp tiến bị buộc giải tán với lý do bảo vệ nhà nước Thổ. Hành động này sau đó bị đánh giá là mang tính độc tài.

Mặc dầu vậy, đến ngày 11 tháng 8 năm 1930, Mustafa Kemal quyết định tái lập phong trào dân chủ một lần nữa bằng cách bổ nhiệm Ali Fethi Okyar thành lập một đảng mới.Đảng tự do cộng hòa thành công khắp cả nước. Nhưng một lần nữa đảng đối lập này trở thành một đối thủ mạnh có thể đe dọa công cuộc cải cách của ông, đặc biệt trên lĩnh vực vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội. Một lần nữa Mustafa Kemal thất bại trong việc kiến tạo một chế độ đa đảng có thể thực sự tồn tại. Điều đó khiến ông đôi khi đối xử không khoan nhượng với những địch thủ của mình trên con đường dân chủ - hiện đại hóa đất nước.